Thẩm quyền của CRC
1: Trung tâm Dân quyền (CRC) có sứ mệnh gì đối với khách hàng không thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ (DOL)?
Sứ mệnh của CRC đối với khách hàng không thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ là đảm bảo rằng các chương trình và hoạt động cung cấp viện trợ, phúc lợi, dịch vụ hoặc chương trình đào tạo trong hệ thống phát triển lực lượng lao động công cộng – hay còn gọi là Trung tâm Việc làm Hoa Kỳ (AJC) hoặc hệ thống One-Stop Center – cũng như các chương trình khác do DOL hỗ trợ – đều tuân thủ các luật dân quyền của liên bang. Một trong những cách CRC thực hiện sứ mệnh này là điều tra những khiếu nại về việc các chương trình và hoạt động này có hành vi phân biệt đối xử. CRC cũng tiến hành đánh giá việc tuân thủ để đảm bảo các chương trình và hoạt động đều tuân thủ luật dân quyền của liên bang.
2: CRC thực thi các luật dân quyền liên bang nào, và những ai phải tuân thủ các luật này?
Mục 188 của Đạo luật Cơ hội và Đổi mới Lực lượng Lao động (WIOA) năm 2014 là nguồn lực chính về thẩm quyền hành pháp của CRC. Mục 188 nghiêm cấm tình trạng phân biệt đối xử ở các chương trình và hoạt động được cung cấp bởi hệ thống Trung tâm Việc làm Hoa Kỳ (hệ thống trang bị lực lượng lao động và việc làm toàn quốc) cũng như các bên nhận hỗ trợ tài chính liên bang khác. (Để biết định nghĩa về hỗ trợ tài chính liên bang, vui lòng xem Câu 3 bên dưới.) Hệ thống Trung tâm Việc làm Hoa Kỳ (AJC) được thiết kế để tạo điều kiện cho những người nộp đơn, người thụ hưởng và người tham gia được tiếp cận những thông tin liên quan đến công việc, các dịch vụ việc làm và đào tạo, cũng như các dịch vụ hỗ trợ có liên quan, chủ yếu thông qua các trung tâm AJC trên toàn quốc. Các trung tâm này thường được gọi là “one-stop centers”.
Hầu hết những chương trình và hoạt động mà CRC có thẩm quyền thực thi các luật dân quyền (gọi là quyền tài phán) đều là một phần của hệ thống AJC. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan chính quyền của tiểu bang và của địa phương chuyên cung cấp các chương trình cũng như hoạt động này. Một số tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan như vậy nhận hỗ trợ tài chính trực tiếp từ USDOL, trong khi một số khác thì có thể nhận hỗ trợ tài chính từ các bộ và cơ quan khác của Liên bang. Nếu một chương trình hoặc hoạt động nào đó do đối tác AJC cung cấp như một phần của hệ thống “one-stop” này, thì chương trình hoặc hoạt động đó phải tuân thủ Mục 188 của WIOA và các luật dân quyền hiện hành khác.
CRC cũng thực thi các luật cơ hội bình đẳng khác về việc nghiêm cấm tình trạng phân biệt đối xử ở các chương trình và hoạt động nhận hỗ trợ tài chính của liên bang. Thẩm quyền của CRC theo các quy chế này giới hạn ở các bên nhận (hay còn gọi là các thực thể được bao gồm) hỗ trợ tài chính từ USDOL. Các quy chế này bao gồm Đề mục VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964; Đạo luật Phân biệt Tuổi tác năm 1975; Mục 504 của Đạo luật Phục hồi Chức năng năm 1973; Mục 508 của Đạo luật Phục hồi Chức năng năm 1973; và Đề mục IX của Tu chính án Giáo dục năm 1972. Các quy chế này cấm phân biệt đối xử trên cơ sở một số đặc điểm hoặc tình trạng được bảo vệ, như trong Mục 188 của WIOA. Để biết danh sách các cơ sở này, xin xem phần trả lời ở Câu 6 bên dưới.
Đề mục II của Đạo luật Người Mỹ Khuyết tật (ADA) cấm các cơ quan chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật. CRC phụ trách thực thi Đề mục II của ADA về các chương trình, dịch vụ và hoạt động quản lý liên quan đến lao động và lực lượng lao động.
Để biết thêm thông tin về các luật mà những chương trình bên ngoài của CRC thi hành, vui lòng xem Quy chế và Quy định Thực thi Bên ngoài.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chương trình và hoạt động được bao gồm trong một hoặc nhiều luật do CRC thực thi được gọi là bên nhận hoặc các thực thể được bao gồm.
3: “Hỗ trợ tài chính của Liên bang” là gì?
Hỗ trợ tài chính của Liên bang là khoản hỗ trợ mà chính phủ Liên bang cấp cho bên nhận hoặc thực thể được bao gồm – thường là một cơ quan (bao gồm cơ quan của chính quyền tiểu bang hoặc chính quyền địa phương), tổ chức, doanh nghiệp hoặc chương trình/hoạt động, để họ cung cấp viện trợ, phúc lợi, dịch vụ hoặc hoạt động đào tạo cho công chúng. Khoản hỗ trợ này:
- Có thể được cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chương trình hoặc hoạt động theo một trong hai cách sau:
- trực tiếp từ chính phủ Liên bang, hoặc
- gián tiếp, thông qua một cơ quan của chính quyền tiểu bang hay chính quyền địa phương, hay một tổ chức hoặc doanh nghiệp khác.
- Có thể được cấp bằng tiền mặt dạng đô la và cent nhưng không nhất thiết phải là hình thức này. Thay vào đó, khoản hỗ trợ có thể được cấp theo các hình thức như:
- dịch vụ (chẳng hạn như trợ giúp công việc thư ký, quảng cáo, dịch vụ sao chép, hoặc dịch vụ giảng dạy)
- thiết bị (chẳng hạn như máy móc văn phòng) hay đồ nội thất
- thực phẩm hay quần áo
- quyền sử dụng các loại tài sản hoặc bất động sản khác – miễn phí hoặc với chi phí thấp hơn mức giá thông thường.
Các loại hỗ trợ phi tiền tệ này được gọi là hỗ trợ bằng hiện vật.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chương trình hoặc hoạt động nhận bất kỳ loại hỗ trợ tài chính nào trong số này của Liên bang thì được gọi là bên nhận hoặc các thực thể được bao gồm.
4: Một số ví dụ về các chương trình và hoạt động được bao gồm trong luật dân quyền do CRC thực thi là gì?
Một số ví dụ bao gồm các chương trình WIOA dành cho người lớn, thanh thiếu niên và công nhân bị mất việc làm; các chương trình thuê làm và đào tạo dành cho người Mỹ bản địa cũng như công nhân nông trại di cư và thời vụ; các chương trình dịch vụ việc làm của tiểu bang; các chương trình Bảo hiểm Thất nghiệp; chương trình Việc làm Phục vụ Cộng đồng cho Người lớn tuổi (SCSEP) dành cho công nhân lớn tuổi; chương trình Job Corps; Chương trình Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại; và các chương trình tài trợ được quản lý bởi Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Ngành Mỏ (MSHA), Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) và Cơ quan Đào tạo và Việc làm dành cho Cựu chiến binh (VETS).
5: Ai được bảo vệ chống phân biệt đối xử theo các luật mà CRC thực thi?
Các luật mà CRC thực thi quy định rằng một thực thể được bao gồm trong các luật này không được phân biệt đối xử với bất kỳ cá nhân nào là người thụ hưởng, người tham gia, người nộp đơn, nhân viên hoặc người nào khác tương tác với thực thể được bao gồm này.
Ví dụ như một thiếu niên có cuộc họp với một cố vấn. Cố vấn này làm việc cho một chương trình việc làm dành cho thanh thiếu niên, và chương trình này là một thực thể được bao gồm. Thiếu niên này đưa người mẹ bị điếc đi cùng đến cuộc họp. Mặc dù người mẹ không phải là người tham gia chương trình dành cho thanh thiếu niên nhưng chương trình cũng phải cung cấp cho người mẹ cách giao tiếp hiệu quả với cố vấn.
6: Theo luật mà CRC thực thi, những loại phân biệt đối xử nào là phi pháp?
Phân biệt đối xử do bất kỳ đặc điểm hoặc tình trạng nào sau đây thì đều là phi pháp:
- quốc tịch (bao gồm trình độ tiếng Anh hạn chế)
- chủng tộc
- giới tính (bao gồm tình trạng mang thai, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới)
- màu da
- tôn giáo
- độ tuổi
- đảng phái chính trị hoặc niềm tin chính trị
- tình trạng khuyết tật
Ngoài ra, chúng ta còn có các biện pháp bảo vệ bổ sung cho người thụ hưởng. Đây là những người mà Quốc hội dự định rằng họ sẽ nhận viện trợ, phúc lợi, dịch vụ hoặc hoạt động đào tạo từ một bên nhận. Quý vị không cần phải tham gia một chương trình hoặc hoạt động liên bang thì mới được coi là người thụ hưởng. Ví dụ như chương trình Bảo hiểm Thất nghiệp (UI) nhận hỗ trợ tài chính của Liên bang, chuyên cung cấp phúc lợi UI cho những người đáp ứng các yêu cầu cụ thể. Những người đủ điều kiện nhận phúc lợi UI thì là những người thụ hưởng, ngay cả khi họ không nhận phúc lợi.
Các luật mà CRC thực thi cũng bảo vệ người thụ hưởng khỏi bị phân biệt đối xử dựa trên:
- tư cách quyền công dân; và
- việc tham gia chương trình hoặc hoạt động được hỗ trợ tài chính theo Đề mục I của WIOA
Dưới đây là ví dụ về hành vi phân biệt đối xử với những người thụ hưởng được xác định bên trên:
XYZ Career Training là một doanh nghiệp nhận hỗ trợ tài chính của liên bang để cung cấp các khóa đào tạo liên quan đến công việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không chịu đào tạo bất kỳ học viên nào từ ABC Job Corps Center. XYZ Career Training nói rằng họ thấy mọi học viên từ ABC Job Corps Center đều “nói năng thô lỗ và ồn ào trong lớp”. Có thể XYZ Career Training phân biệt đối xử với học viên của ABC Job Corps Center vì họ tham gia Job Corps – một chương trình nhận hỗ trợ tài chính của liên bang.
7: Sẽ thế nào nếu tôi bị đối xử bất công vì:
- Tôi đã gửi khiếu nại về hành vi phân biệt đối xử trước đây?
- Tôi đã nói chuyện với một điều tra viên về khiếu nại liên quan đến hành vi phân biệt đối xử của một ai khác?
- Đã làm chứng tại phiên điều trần về hành vi phân biệt đối xử?
- Đã tham gia một vấn đề dân quyền khác?
Các luật do CRC quản lý và thực thi quy định rằng sẽ là bất hợp pháp khi đối xử bất lợi hoặc gây hại cho ai đó vì họ làm bất kỳ điều nào sau đây:
- gửi khiếu nại về tình trạng phân biệt đối xử
- phản đối một hành vi bị coi là phi pháp theo luật chống phân biệt đối xử hoặc luật cơ hội bình đẳng
- cung cấp thông tin, làm chứng hoặc tham gia theo bất kỳ cách nào khác vào bất kỳ loại hoạt động nào trong danh sách sau đây – nếu hoạt động liên quan đến việc chống phân biệt đối xử hoặc cơ hội bình đẳng: hoạt động điều tra, phiên điều trần, đánh giá tuân thủ hoặc bất kỳ loại hoạt động nào khác (chẳng hạn như yêu cầu dàn xếp hợp lý cho hoạt động tôn giáo, người khuyết tật hoặc người mang thai).
Việc đối xử bất lợi hoặc gây hại cho ai đó vì một hoặc nhiều lý do này được gọi là trả thù.
8: CRC có quyền tài phán đối với khu vực địa lý nào?
CRC có quyền tài phán đối với toàn nước Mỹ và các Vùng lãnh thổ của Mỹ. Quyền tài phán của CRC mở rộng đến Quận Columbia, Khối Thịnh vượng chung Puerto Rico, Quần đảo Virgin, Samoa thuộc Mỹ, Guam, Đảo Wake, Khối Thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana, Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall, và Palau.
Gửi khiếu nại về tình trạng phân biệt đối xử
9: Ai có thể gửi khiếu nại về tình trạng phân biệt đối xử theo các luật CRC thực thi?
Quý vị có thể gửi khiếu nại dựa trên các luật này nếu quý vị cho rằng ai đó từ một thực thế được bao gồm đã phân biệt đối xử hoặc trả thù cá nhân quý vị, hoặc chống lại quý vị và những người khác là thành viên của cùng một nhóm được bảo vệ, như được liệt kê bên trên.
Xin lưu ý: Cần hiểu rằng quý vị cũng có thể gửi khiếu nại dựa trên các luật này ngay cả khi quý vị không phải là nạn nhân trực tiếp bị phân biệt đối xử hoặc trả thù. Nếu quý vị cho rằng ai đó từ một thực thể được bao gồm đã phân biệt đối xử hoặc trả thù một nhóm người vì một trong những cơ sở được liệt kê bên trên (ví dụ như phân biệt đối xử với người khuyết tật, các thành viên của một tôn giáo cụ thể, hay không chịu phục vụ một nhóm khách hàng để trả thù vì họ đã tham gia một cuộc điều tra liên bang hoặc một chương trình đánh giá tuân thủ), quý vị có quyền gửi khiếu nại ngay cả khi mình không phải là thành viên của nhóm đó.
Nếu quý vị bị khuyết tật và cần trợ giúp gửi khiếu nại, vui lòng liên hệ với CRC để yêu cầu được hỗ trợ theo cách hợp lý. Thông tin liên hệ của chúng tôi được liệt kê trên trang này.
Bất kỳ ai gửi khiếu nại đều là người khiếu nại, bất kể họ có phải là nạn nhân bị phân biệt đối xử hay không.
10: Tôi có thể nhờ người khác gửi khiếu nại thay mình không?
Có, quý vị có thể nhờ người khác gửi khiếu nại thay mình. Người đó có thể là luật sư, người quản lý công đoàn hay bất kỳ ai khác mà quý vị chọn. Đây sẽ là người đại diện của quý vị. Quý vị vẫn sẽ được coi là người khiếu nại.
11: Có thời hạn gửi khiếu nại không?
Có. Quý vị phải gửi khiếu nại trong vòng 180 ngày kể từ ngày xảy ra tình trạng phân biệt đối xử. Nếu tình trạng phân biệt đối xử vẫn đang diễn ra, quý vị phải gửi khiếu nại trong vòng 180 ngày kể từ ngày cuối cùng xảy ra tình trạng phân biệt đối xử. Nếu đã qua hơn 180 ngày, quý vị phải chứng minh mình có lý do chính đáng để không nộp đơn trong khung thời gian đó – ví dụ như có những trường hợp ngoài khả năng kiểm soát khiến quý vị không thể nộp đơn. Giám đốc CRC sẽ quyết định có tiếp nhận khiếu nại của quý vị hay không.
12: Tôi có thể gửi khiếu nại ở đâu?
Quý vị có thể gửi khiếu nại đến CRC hoặc cơ quan cấp tiểu bang hay cấp địa phương. Cơ quan mà quý vị cho là phủ trách xử lý tình trạng phân biệt đối xử sẽ cung cấp cho quý vị thông tin về cách thức và nơi gửi khiếu nại ở cấp tiểu bang hoặc cấp địa phương.
13: Tôi có thể cùng lúc gửi cùng một khiếu nại đến CRC và đến cơ quan cấp tiểu bang hay cấp địa phương không?
Không. Nếu quý vị gửi khiếu nại lên CRC và lên cơ quan cấp tiểu bang hay cấp địa phương cùng lúc, CRC sẽ cho cơ quan cấp tiểu bang hay cấp địa phương 90 ngày để xử lý khiếu nại. CRC sẽ không giải quyết khiếu nại trước khi kết thúc thời hạn 90 ngày.
14: Tôi có thể gửi khiếu nại theo phương pháp và định dạng nào?
- Cho dù gửi khiếu nại đến CRC hay cơ quan cấp tiểu bang hay cấp địa phương, quý vị cũng phải gửi khiếu nại dưới dạng văn bản.
- Nếu gửi khiếu nại đến CRC, quý vị có thể dùng Mẫu Thông tin Khiếu nại (CIF) của CRC và gửi dạng thư hoặc dạng email. Quý vị có thể tìm CIF và thông tin liên hệ để gửi khiếu nại đến CRC tại www.dol.gov/agencies/oasam/centers-offices/civil-rights-center/external/how-to-file-complaint#Complaint. CIF hiện có nhiều ngôn ngữ.
- Nếu gửi khiếu nại ở một tiểu bang hoặc khu vực địa phương có mẫu khiếu nại riêng, quý vị có thể sử dụng mẫu đó.
- Quý vị cũng có thể sử dụng bất kỳ giấy tờ nào khác có những thông tin cần thiết như được giải thích trong Câu 15 bên dưới.
15: Đơn khiếu nại về tình trạng phân biệt đối xử phải bao gồm những thông tin gì?
Cho dù gửi khiếu nại đến CRC hoặc đến cơ quan cấp tiểu bang hay địa phương, khiếu nại cũng phải có các thông tin sau:
- Tên của quý vị; và
- Chữ ký của quý vị, hoặc chữ ký của người đại diện được ủy quyền của quý vị; và
- Địa chỉ của quý vị, hoặc cách khác để chúng tôi liên hệ với quý vị; và
- Tên của thực thể được bao gồm và/hoặc cá nhân mà quý vị cho là có trách nhiệm về hành vi phân biệt đối xử; và
- Mô tả chuyện đã xảy ra, nói rõ quý vị (hoặc người khác) bị tổn hại như thế nào do chuyện đã xảy ra, và nói lý do khiến quý vị cho rằng đó là do phân biệt đối xử. Mô tả này phải có đủ thông tin để CRC hoặc cơ quan cấp tiểu bang hay cấp địa phương quyết định:
- họ có thẩm quyền hoặc quyền tài phán để giải quyết khiếu nại này hay không; và
- khiếu nại này có được gửi kịp thời hay không; và
- tình huống mà quý vị mô tả, nếu đúng, có vi phạm luật nào mà CRC thực thi hay không.
Gửi khiếu nại ở cấp tiểu bang hoặc địa phương
16: Cơ quan cấp tiểu bang hoặc cấp địa phương có phải xử lý khiếu nại của tôi trong khung thời gian nào không?
Có. Kể từ ngày khiếu nại được gửi đến, các cơ quan cấp tiểu bang và cấp địa phương có 90 ngày để ra văn bản Thông báo về Hành động Sau cùng để hồi đáp về từng vấn đề trong khiếu nại.
17: Nếu tôi gửi khiếu nại lên cơ quan cấp tiểu bang hoặc cấp địa phương nhưng không hài lòng với cách giải quyết khiếu nại ở đó, tôi có thể nhờ CRC trợ giúp không?
Có. Quý vị có quyền gửi khiếu nại mới lên CRC trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo về Hành động Sau cùng từ cơ quan cấp tiểu bang hoặc cấp địa phương.
18: Nếu cơ quan cấp tiểu bang hoặc cấp địa phương không ra văn bản Thông báo về Hành động Sau cùng trong vòng 90 ngày kể từ ngày tôi gửi khiếu nại thì sao?
Quý vị có thể gửi khiếu nại lên CRC trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn 90 ngày. Nói cách khác là trong vòng 30 ngày kể từ ngày mà quý vị lẽ ra phải nhận được quyết định từ cơ quan cấp tiểu bang hoặc cấp địa phương.
19: Liệu CRC có xem xét cách cơ quan cấp tiểu bang hoặc cấp địa phương xử lý khiếu nại của tôi không?
Không. Khiếu nại mà quý vị gửi đến CRC không phải là đơn kháng cáo. CRC sẽ tiến hành xem xét cáo buộc phân biệt đối xử mà quý vị khiếu nại theo cách mới và độc lập.
20: Khiếu nại của tôi đã được hòa giải ở cấp tiểu bang/cấp địa phương và tôi đã ký thỏa thuận hòa giải để giải quyết khiếu nại. Giờ thì bên kia lại vi phạm thỏa thuận đó. Tôi có thể đến CRC để nhờ trợ giúp không?
Có. Nếu quý vị gửi khiếu nại đến CRC trong vòng 30 ngày kể từ ngày quý vị xác định rằng bên kia đã vi phạm thỏa thuận hòa giải hoặc dàn xếp, Giám đốc CRC sẽ xem xét thỏa thuận đó và cân nhắc xem các điều khoản của thỏa thuận có được xử lý hay không. Giám đốc CRC có thể thực hiện các bước để yêu cầu hoàn tất các điều khoản của thỏa thuận. Nếu Giám đốc xác định rằng thỏa thuận đã bị vi phạm, quý vị sẽ có quyền gửi khiếu nại mới lên CRC.
21: Các thời hạn gửi khiếu nại đến CRC có thể được gia hạn không?
Có, nhưng chỉ khi quý vị chứng minh được rằng mình có lý do chính đáng để không nộp đơn trong khung thời gian yêu cầu. Ví dụ như nếu quý vị có thể chứng minh rằng Thông báo về Hành động Sau cùng không nói về quyền gửi khiếu nại lên CRC trong vòng 30 ngày, thì đây có thể là lý do chính đáng.
Gửi khiếu nại đến CRC
22: Gửi khiếu nại phân biệt đối xử lên CRC ở đâu và như thế nào?
Khiếu nại của quý vị phải có dạng văn bản. Quý vị có thể dùng CIF của CRC (xem www.dol.gov/agencies/oasam/centers-offices/civil-rights-center/external/how-to-file-complaint#Complaint) hay một loại giấy tờ có những thông tin bắt buộc (xem phần trả lời ở Câu 15 bên trên).
- Để gửi khiếu nại dạng thư qua đường bưu điện, vui lòng gửi đến:
Director, Civil Rights Center
U.S. Department of Labor
200 Constitution Ave NW
Room N-4123
Washington, DC 20210
ATTENTION: Office of External Enforcement
- Để gửi khiếu nại dạng fax, xin gửi đến 202-693-6505, ATTENTION: Office of External Enforcement.
- Để gửi khiếu nại dạng email, xin gửi đến CRCExternalComplaints@dol.gov.
Để biết thêm thông tin về việc gửi khiếu nại đến CRC liên quan đến tình trạng phân biệt đối xử, vui lòng xem: www.dol.gov/agencies/oasam/centers-offices/civil-rights-center/external/how-to-file-complaint#Complaint.
23: CRC có tiếp nhận mọi khiếu nại để điều tra hoặc giải quyết không?
Không. Giám đốc CRC sẽ quyết định CRC có tiếp nhận một khiếu nại nào đó hay không. Ví dụ như một khiếu nại nào đó có thể không được tiếp nhận nếu:
- Khiếu nại đó không được nộp đúng hạn; hoặc
- CRC không có quyền tài phán đối với khiếu nại đó; hoặc
- CRC đã từng xem xét vấn đề này trước đó.
24: Tôi có thể gửi khiếu nại đến CRC dưới dạng ẩn danh không?
Không. CRC không tiếp nhận khiếu nại ẩn danh.
25: Tôi sẽ nhận được phản hồi gì từ CRC sau khi gửi khiếu nại?
Nếu quý vị không sử dụng Mẫu Thông tin Khiếu nại (CIF) để gửi khiếu nại, chúng tôi sẽ gửi cho quý vị một mẫu CIF để điền vào, ký tên và gửi lại cho CRC. Hồ sơ CIF bao gồm một tờ thông báo có tiêu đề "Cách chúng tôi sử dụng thông tin cá nhân" và biểu mẫu đồng ý về việc sử dụng những thông tin này (được gọi là Mẫu Đồng ý), và mẫu này phải được ký riêng.
26: Tôi quan ngại về quyền riêng tư và tính bảo mật. CRC có tiết lộ thông tin cá nhân của tôi cho bất kỳ ai khác không?
CRC phải tuân thủ Đạo luật về Quyền riêng tư. Đạo luật này bảo vệ các cá nhân khỏi bị chính quyền Liên bang sử dụng thông tin cá nhân sai mục đích. Tuy nhiên, để có thể điều tra, thông thường chúng tôi cần phải tiết lộ danh tính của quý vị và một số thông tin cá nhân của quý vị cho những cá nhân bên ngoài CRC có liên quan đến cuộc điều tra hoặc hoạt động giải quyết.
27: Sẽ thế nào nếu tôi không ký Mẫu Đồng ý để chấp thuận việc sử dụng thông tin cá nhân của tôi?
Nếu quý vị không ký Mẫu Đồng ý, cuộc điều tra có thể bị cản trở hoặc phải dừng lại.
28: Sau khi CRC nhận được CIF và Mẫu Đồng ý của tôi thì sao?
Dựa theo thông tin trên CIF, chúng tôi sẽ hoặc từ chối khiếu nại của quý vị; yêu cầu quý vị gửi thêm thông tin; tiếp nhận khiếu nại của quý vị để điều tra; hoặc, trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ chuyển khiếu nại của quý vị đến một cơ quan Liên bang khác nếu phù hợp.
29: Làm sao để biết liệu CRC đã tiếp nhận hay từ chối khiếu nại của tôi?
CRC sẽ gửi văn bản thông báo cho quý vị nếu:
- khiếu nại của quý vị bị từ chối. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ cho quý vị biết lý do từ chối.
- khiếu nại của quý vị được chuyển đến một cơ quan Liên bang khác.
- khiếu nại của quý vị được tiếp nhận để điều tra. Trong trường hợp này, chúng tôi cũng sẽ thông báo cho các thực thể/bên nhận được bao gồm mà bạn đã gửi khiếu nại.
30: Tôi đã bị sa thải. Tôi nghĩ chủ lao động đã phân biệt đối xử với tôi. Tại sao CRC không tiếp nhận khiếu nại của tôi?
CRC không thể điều tra các khiếu nại về phân biệt đối xử trong công việc đối với hầu hết các chủ lao động tư nhân. CRC sẽ chuyển những khiếu nại này đến Ủy ban Cơ hội Việc làm Công bằng Hoa Kỳ (EEOC). EEOC là cơ quan Liên bang riêng biệt có thẩm quyền thực thi các luật dân quyền bao gồm hầu hết các chủ lao động tư nhân, bao gồm Đề mục VII của Đạo luật Dân quyền năm 1964, như được sửa đổi.
31: Sau khi tiếp nhận khiếu nại, CRC xử lý như thế nào?
Sau khi CRC tiếp nhận khiếu nại, khiếu nại đó sẽ được giao cho một điều tra viên. Điều tra viên này sẽ thu thập bằng chứng từ người khiếu nại, thực thể/bên nhận được bao gồm (được gọi là bị đơn trong cuộc điều tra), cùng các nhân chứng. Quá trình này thường được thực hiện thông qua các cuộc gọi điện thoại hoặc phỏng vấn, các câu hỏi thẩm vấn dạng viết (câu hỏi trang trọng), và các yêu cầu cung cấp tài liệu bao gồm các chính sách. Quá trình này đôi khi được gọi là quá trình tìm hiểu sự thật. Sau đó, điều tra viên sẽ phân tích các bằng chứng thu thập được, xem xét các luật mà CRC thực thi để xác định xem bị đơn có phạm luật hay không. Điều tra viên và CRC là bên trung lập, nghĩa là họ không đại diện cho người khiếu nại hay thực thể/bên nhận được bao gồm. Điều tra viên tiến hành điều tra và xem xét các bằng chứng mà không thiên vị bên nào. Nhiệm vụ của họ là dùng bằng chứng để xác định xem có vi phạm luật hay không.
32: CRC có ưu ái bên khiếu nại hay bên bị khiếu nại trong quá trình điều tra và phân tích khiếu nại không?
Không. CRC là bên trung lập. Vai trò của họ là quyết định xem bị đơn có bị vi phạm luật hay không.
33: Có quy trình đặc biệt nào cho những trường hợp phân biệt tuổi tác không?
Có. Nếu có cáo buộc về tình trạng phân biệt tuổi tác đối với người tham gia hoặc người thụ hưởng của một chương trình hay hoạt động nhận hỗ trợ tài chính của Liên bang, thì theo luật, CRC phải chuyển khiếu nại đến Dịch vụ Hòa giải và Trung gian Liên bang (FMCS) để cố gắng hòa giải. Sau 60 ngày, nếu không thể được hòa giải thì khiếu nại sẽ được chuyển lại cho CRC để xem xét điều tra như đã mô tả bên trên.
34: Sẽ thế nào nếu CRC xác định rằng bên bị khiếu nại đã vi phạm luật?
Trong những trường hợp như vậy, CRC sẽ ban hành văn bản Quyết định Ban đầu, nêu rõ Kết quả Thực tế, lý do ra quyết định này và các bước mà bị đơn phải thực hiện để khắc phục tình trạng vi phạm. Bị đơn có thể xem xét Kết quả Thực tế và đưa ra bằng chứng có thể giúp thay đổi quyết định và/hoặc đồng ý tự nguyện khắc phục tình trạng vi phạm. Nếu bị đơn không đưa ra thêm bằng chứng hoặc không đồng ý khắc phục tình trạng vi phạm, CRC sẽ ra văn bản Quyết định Sau cùng.
35: Sẽ thế nào nếu CRC xác định rằng bị đơn không vi phạm pháp luật?
Trong những trường hợp như vậy, CRC sẽ ra văn bản Quyết định Sau cùng, nêu rõ Kết quả Thực tế và giải thích lý do ra quyết định rằng không xảy ra vi phạm.
36: Đối với hành vi vi phạm pháp luật, CRC sẽ yêu cầu những biện pháp khắc phục nào?
Biện pháp khắc phục phù hợp cho một vụ việc sẽ phụ thuộc vào thực tế. Ví dụ về các biện pháp khắc phục khả thi có thể là:
- Khắc phục cho nạn nhân bị phân biệt đối xử: nói cách khác là đưa nạn nhân vào vị trí mà họ sẽ ở nếu họ không bị phân biệt đối xử. Tùy vào hoàn cảnh, biện pháp này có thể được thực hiện thông qua những cách như:
- Hỗ trợ họ, cung cấp phúc lợi, dịch vụ hoặc hoạt động đào tạo mà họ đã bị từ chối;
- Thuê mướn, phục chức hoặc thăng chức cho họ;
- Trả lại tiền hoặc khoản trợ cấp khác cho họ;
- Yêu cầu bị đơn thực hiện các hành động như:
- Thay đổi chính sách, cách thực hành hoặc thủ tục;
- Tiến hành tiếp cận hay tuyển dụng; hoặc
- Đào tạo hay đào tạo lại nhân viên; hoặc
- Thực hiện bất kỳ bước nào khác mà Giám đốc CRC cho là cần thiết.
37: Sẽ thế nào nếu CRC không thể giúp tôi?
CRC có thể chuyển vụ việc của quý vị đến một cơ quan phù hợp thuộc liên bang hoặc tiểu bang, trừ khi bạn có yêu cầu khác.
38: Còn những văn phòng liên bang nào khác có thể bảo vệ quyền công dân của tôi?
Ngoài CRC và EEOC (xem phần trả lời ở Câu 29), một số bộ và cơ quan liên bang khác cũng có các văn phòng chuyên bảo vệ quyền công dân của quý vị.
Để biết thêm thông tin về các cơ quan đó, vui lòng xem:
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Ban Dân quyền
Ủy ban Dân quyền Hoa Kỳ
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, Văn phòng Dân quyền
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Văn phòng Dân quyền
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Văn phòng Dân quyền
Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ, Quyền Công dân về Nhà ở Công bằng
Các website hữu ích khác
Trang chủ Đạo luật Người Mỹ khuyết tật (ADA)
Bộ Lao động Hoa Kỳ, Văn phòng Chính sách Việc làm cho Người Khuyết tật
CRC/USDOL không chịu trách nhiệm về độ chính xác, khả năng tiếp cận hoặc tính khả dụng của thông tin liên quan đến các cơ quan khác mà trang này cung cấp. Để biết thông tin chi tiết và được hỗ trợ, vui lòng vào website của các cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với họ.